GỌI SỮA VỀ SAU SINH

 

GIẢI PHÁP GIÚP MẸ CÓ NHIỀU SỮA SAU SINH

  1. Những lưu ý trong thời kỳ mang thai em bé để mẹ nhiều sữa sau khi sinh
    1. Chế độ dinh dưỡng: Ngay trong thời kỳ có thai, người mẹ cần được ăn uống đủ chất, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, mới có nhiều sữa sau khi sinh. Khi mang thai 6 tháng đầu, ngoài chế độ ăn như bình thường, bạn cần ăn thêm một chén cơm và đầy đủ thức ăn mỗi ngày. Vào ba tháng cuối của thai kỳ và khi cho con bú, mẹ nên ăn thêm hai chén cơm và đầy đủ thức ăn mỗi ngày. Ngoài ra, nên ăn bổ sung thêm chất đạm, vitamin, chất khoáng và yếu tố vi lượng.
    2. Massage bầu vú: Cần massage hai bầu vú thường xuyên để kích thích tuyến sữa hoạt động (không chạm hay day ti vì sẽ gây co bóp tử cung). Tuyệt đối không mặc áo ngực chật, nếu đầu nhũ hoa tụt vào trong, thai phụ dùng tay kéo ra để khắc phục.
    3. Vệ sinh nhũ hoa : Nhũ hoa cần được vệ sinh ít nhất một lần trong ngày. Khi vệ sinh, nên sử dụng nước sạch đủ ấm và dùng vải mềm để lau.
    4. Nên cho mẹ bầu sử dụng thực phẩm lợi sữa: Sử dụng bột yến mạch không những làm đẹp da mà nó còn có tác dụng mang lại sữa cho mẹ bầu. Đối với những mẹ đang mang thai hay ngay cả khi vừa sinh con xong cũng sử dụng loại thực phẩm này.
  • Hạt mè đen và thì là có thể giúp tăng nguồn sữa. Một số món ăn có ghi rõ công thức nấu các loại hạt này, bạn có thể tham khảo để có ý tưởng đưa các loại hạt vào thực đơn ăn uống của mình.
  • Một số loại hạt như hạnh nhân chứa các chất béo có lợi, có giá trị dinh dưỡng cao và được khuyến nghị cho các bà mẹ cho con bú để làm tăng sữa mẹ.
  • Ngoài ra, bổ sung rau xanh vào mỗi bữa ăn cũng là một cách giúp mẹ tăng lượng sữa cho bé. Các loại rau xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp sản sinh sữa nhiều hơn. Đặc biệt một số loại rau củ như: rau ngót, bí đỏ, cà rốt… là những thực phẩm tốt cho da và mang lại nguồn sữa bất tận.

 

  1. Trong giai đoạn cho con bú
    1. Cho bé bú sớm, liên tục, đúng tư thế

Những tia sữa đầu tiên được gọi là sữa non chứa rất nhiều kháng thể giúp các bé phòng chống lại bệnh tật ngay khi vừa mới chào đời, vì thế các mẹ cần cho bé bú ngay sau khi sinh, không những thế sữa non rất dễ bị tắc nên việc cho bé bú sớm sẽ hạn chế được tình trạng tắc, nghẽn tia sữa. Sau đó, bạn cần cho bé bú liên tục, đều đặn tăng tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, giúp bạn tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa.

Cho bé bú đúng tư thế sẽ làm cho mẹ có nhiều sữa sau sinh hơn và bé cũng bú được nhiều hơn. Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ, miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn.

  • Các tư thế cho bé bú
  • Cách cho con bú theo tư thế nằm ngiêng: Mẹ nằm ngiêng và song song với bé. Tay mẹ đỡ lấy đầu bé và hướng dẫn cho bé quay mặt sang vú mẹ để bú. Với tư thế này mẹ cũng được thư giãn mà bé cũng nằm khá dễ chịu.

 

 

Tư thế bú nằm ngiêng

 

  • Cách cho con bú theo tư thế bế hình nôi – cánh tay cùng phía: Mẹ ngồi vững chắc và bế bé nằm ôm vào lòng, hai bàn tay tạo thành vòng cung vững chắc cho bé. Tay dùng để đỡ trẻ chính là tay cùng phía với bầu ngực bé đang bú.

 

 

Tư thế bú hình cánh nôi – cùng phía

 

  • Cách cho con bú theo tư thế bế hình nôi – cánh tay phía đối diện: Tư thế này giống với tư thế ở trên. Tuy nhiên cánh tay dùng để đỡ bé là cánh tay ngược lại với bầu vú bé đang bú. Động tác này phù hợp với mẹ chỉ sử dụng thuần thục được một tay thuận, giúp bé bú được cả hai bầu vú mà vẫn giữ bé được an toàn.

 

 

Tư thế bú hình cánh nôi – phía đối diện

 

  • Cách cho con bú theo tư thế ngả lưng về sau (cho bú sinh học): Mẹ nằm ngả lưng về sau, nên dựa lưng vào vách hoặc có gối kê để lưng được giữ nghiêng khoảng một góc 45 độ. Lúc này bé được đặt nằm trên bụng và tì vào ngực mẹ để bú, mẹ không cần phải dùng sức quá nhiều để giữ bé.

 

 

Tư thế bú ngã lưng về sau

 

  • Cách cho con bú theo tư thế ngả lưng về sau sau khi sinh mổ: Tư thế này áp dụng cho các mẹ sinh mổ nhằm tránh bé động vào vết thương phẫu thuật trên bụng. Mẹ nằm hơi ngả lưng về phía sau và bé nằm dọc theo chiều ở trên người mẹ.

 

 

Tư thế bú ngã lưng về sau khi sinh mổ

 

  • Cách cho con bú theo tư thế bế song sinh: Nếu mẹ sinh đôi và muốn cho hai con bú cùng lúc thì chắc chắn mẹ nên áp dụng tư thế song sinh. Để có thể giữ được hai bé mẹ nên dùng một tấm đệm lót chung và nhẹ nhàng nâng đỡ hai bé trên tay của mình.

 

 

Tư thế song sinh

 

Mẹ có thể gắn bó với một tư thế thuận tiện nhất. Nhưng khi thành thạo tất cả các tư thế trên sẽ giúp mẹ cho con bú dễ dàng hơn, cũng như luôn “làm mới” công việc thiêng liêng này.

  • Cách cho bé bú
  • Tìm đầu vú:

Bé sẽ tự tìm vú để bú đó là phản xạ “sục tìm”. Cho đến khoảng ngày thứ 10, mẹ hãy nhắc nhở phản xạ này bằng cách cọ bên má của bé gần kề mẹ nhất, bé sẽ quay về phía vú và tìm đầu vú.

Nếu bé không quay đầu theo bản năng, mẹ hãy thử bóp nhẹ ngay sau quầng vú cho đến khi hiện lên vài giọt sữa trên đầu núm vú sau đó đưa núm vú chạm vào môi bé để khuyến khích bé há miệng.

Đưa đầu bé lên gần vú bạn, sao cho cằm bé kề sát vú và lưỡi bé ở ngay dưới đầu vú mẹ, hướng cho vú mẹ vào miệng bé.

  • Gắn chốt:

Khi được gắn chốt vào vú mẹ, bé không chỉ mút mà còn “vắt” bầu vú bằng hai hàm của bé bằng cách ép vào các túi trữ sữa ở vùng đáy của quầng vú. Nếu bé chỉ bú trên đầu vú thôi, mẹ sẽ đau và bé sẽ không mút được ra tí sữa nào. Nếu cảm thấy đau nhức trong chốc lát, mẹ nên thở sâu để thư giãn.

Quan sát từ vị  trí của mẹ, khi bé bú sẽ mở rộng hai hàm và cả bầu vú của mẹ lấy đầu miệng em bé. Mẹ có thể biết được bé bú đúng cách khi nhìn thấy thái dương và tai bé cử động, chứng tỏ là các cơ bắp quai  hàm đang làm việc mạnh.

  • Cách dứt em bé khỏi bầu vú:

Hãy để cho bé bú một bên vú bao lâu tùy bé, mẹ sẽ cảm thấy nhẹ khi cạn sữa. Bé hay ngừng lại trong một cữ bú và chỉ bú một lát thôi. Sau nhiều phút mà không thấy bé bú ra được tí sữa nào, mẹ hãy rứt bé ra khỏi bầu vú để cho bé được nghỉ xả hơi. Mẹ chớ kéo đầu vú ra, như vậy sẽ làm đau, hay luồn một ngón tay vào giữa hai hàm của bé để hãm động tác bú lại và rút bé ra khỏi núm vú.

Mẹ hãy luồn một miếng vải vào trong áo ngực ở bên vú mà bé đã bú cạn. Vào cữ bú sau, mẹ hãy đặt cho bé bú bên kia, sao cho cả hai bầu vú được kích thích ngang nhau đồng thời mẹ dựng cho bé ngồi dậy để bé ợ hơi.

  • Cách đưa vú bên kia:

Sau khi bé đã ợ được một hay hai lần, hoặc có lẽ đã ngủ được một giấc ngắn, mẹ hãy đưa vú bên kia cho bé bú. Có thể là bé đủ đói để bú cạn nốt bầu vú này, hoặc có thể bé chỉ mút để được thoải mái – một điều cũng cần thiết chẳng kém gì sữa.

Khi bé đã bú đủ, bé sẽ lăn ra ngủ trong vòng tay của mẹ, và để núm vú của mẹ tuột ra khỏi miệng. Mẹ đừng lo lắng rằng bé đã không bú đủ vì bé tự biết mình muốn và cần bú bao nhiêu, vào bất cứ lúc nào.

 

  1. Hướng dẫn kích tuyến sữa bằng phương pháp masage

Để bắt đầu massage, mẹ bầu phải nắm được đầu dây thần kinh kích thích tiết sữa mẹ. Chúng nằm ở quầng vú, gốc 5 giờ ở vú trái và 7 giờ ở vú phải, cách chân ti 1cm – 1.5cm. Các mẹ cần 2-3 phút massage gồm ba bước đơn giản như hình sau:

  • Mô tả cách massage kích thích tiết sữa
  • Bước 1: Dùng 2 đầu ngón tay nhẹ nhàng xoay từ trên đi về phía đầu ti và cả hai bầu vú (30 giây). Chú ý : Tay trái massage vú phải và ngược lại
  • Bước 2: Dùng nắm tay vuốt nhẹ nhàng từ trên đi về phía đầu ti, khắp cả hai bầu vú (30 giây). Chú ý: Tay bên nào massage vú bên đó
  • Bước 3: Tựa ngón tay cái ở quầng vú trên, các ngón tay massage nhẹ nhàng lên xuống ở vị trí đầu dây thần kinh (1 – 2 phút)
  • . Chú ý: Tay trái massage vú phải và ngược lại.
  • Thời điểm áp dụng:
  • Ngay trước cữ bú mới, hoặc hút sữa, để sữa xuống nhanh hơn.
  • Ngay trong khi bé bú bên vú này, có thể tiếp tục bước 3 massage cho vú bên kia để hỗ trợ tiết sữa trong khi bú.
  • Ngay sau khi bé vừa bú xong, hoặc hút cạn, kích thích tạo sữa cho đợt sau.
  • Chú ý:
  • Không được sử dụng bất kỳ loại dầu massage nào (nếu có sữa mẹ rồi, thì có thể dùng vài giọt sữa mẹ như dầu massage), vì bé rất nhạy cảm với mùi lạ.
  • Động tác massage phải nhẹ nhàng, không lạm dụng massage bằng động tác mạnh, không ấn sâu.
  • Không massage đầu ti. Sau cữ bú/hút, mẹ xoa đều vài giọt sữa mẹ ở đầu ti và quầng vú, vừa bảo vệ, vừa dưỡng mềm.
  1. Cho con bú đều hai bên

Theo cơ chế tiết sữa, bầu vú trống sẽ kích thích tuyến yên tiết protaclin và sẽ tiết sữa. Nếu cho bé bú không đồng đều thì bên ngực thường xuyên cho bú sẽ nhiều sữa hơn. Nhiều bà mẹ thường cho con bú bên tay thuận, nên bầu ngực phía ấy sẽ nhiều sữa hơn. Để khắc phục, bạn nên cho con bú đều cả hai bên. Nếu bé không bú bên kia thì sau khi cho bú một bên, nên vắt sữa bên còn lại để kích thích việc tạo sữa.

  1. Giữ bé thức để bú lâu hơn

Một số trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn so với các bé khác và điều này đôi khi khiến các bà mẹ có cảm giác con không bú đủ sữa. Khi bé ngủ nhiều hơn và bú ít hơn, cơ thể mẹ sẽ tiết ra ít sữa hơn. Nếu bạn không thể ép bé bú thường xuyên, bạn hãy cố thử giữ bé thức lâu hơn bằng cách chuyển bên một vài lần trong khi cho bú. Như thế bé sẽ bú nhiều hơn và ngược lại cơ thể mẹ sẽ tiết ra nhiều sữa hơn.

  1. Luôn giữ sạch đầu vú 

Để không bị tắc tia sữa, bạn phải giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Trước khi cho trẻ bú, phải lau sạch và vắt vài giọt đầu bỏ đi, khi bú xong cũng cần lau sạch và khô. Khi thấy sữa chảy không thành tia hoặc tia bị tắc thì phải dùng tay xoa cho mềm vú, dùng ống hút sữa hoặc dùng tay vắt mạnh để thông sữa. Có thể dùng khăn ấm hoặc túi chườm nóng kết hợp với day ép để nhanh có sữa.

  1. Không cho bé bú bình

Hầu hết trẻ sơ sinh đều thích bú mẹ vì nó mang lại cảm giác an toàn. Thêm vào đó, việc bú mẹ tạo sợi dây liên kết giữa mẹ và bé. Vì thế, nên cho trẻ bú trực tiếp dưới bầu sữa của mẹ. Hạn chế cho trẻ dùng núm vú giả để bé bú bình sẽ khiến bé lười ăn hơn. Trẻ con lại nhớ lâu nếu ngay từ khi sinh ra mà mẹ đã cho bé bú bình, như thế là mẹ đã làm bé mất đi phản xạ bú mút bản năng. Ti bình làm làm cho miệng bé lười quên đi việc cái lưỡi phải làm việc kích thích massage núm vú và vắt sữa. Vì vậy, khi ti mẹ sữa không chảy nhiều và nhanh như ti bình sẽ khiến bé cáu gắt và quấy khóc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kém phát triển khi không bú đủ sữa ở trẻ nhỏ.

  1. Phải nặn sữa 

Đây là trường hợp cũng thường gặp ở các bà mẹ trẻ. Bạn hãy rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước ấm, massage ngực một chút trước khi tiến hành nặn. Nặn sữa đúng cách như sau: Đặt tay để nặn ở phần quầng đen xung quanh đỉnh vú. Dùng ngón cái và các ngón còn lại theo hình chữ C. Nặn nhịp nhàng, cố gắng không để các ngón tay trượt trên da. Lần đầu tiên nặn, chỉ có vài giọt xuất hiện. Sau đó, sữa sẽ chảy thành dòng mạnh và bạn có thể nặn dễ dàng vào các lần tiếp theo. Nếu sữa không chảy, di chuyển bàn tay gần đỉnh hoặc xa hơn để tìm vị trí tốt nhất. Massage ngực thêm một lúc và thử lại.

  1. Dùng máy hút sữa để hỗ trợ

Với mẹ đang ít sữa, sau khi cho con bú mẹ nên dùng máy để hút tiếp sữa (với mẹ đang ít sữa). Dù không ra sữa cũng phải hút ít nhất 5 phút mỗi bên (từng đợt) để kích thích về đợt tiếp theo, đồng thời tạo nhu cầu cho não hoạt động tạo thêm sữa.

Do não bộ thấy thiếu sữa thì mới tạo thêm, còn thấy đủ thì vẫn duy trì lượng sữa cũ. Như thế mẹ sẽ không bị mất sữa và giúp duy trì nguồn sữa mẹ lâu dài. Khi vắt sữa, bầu sữa trống sẽ kích thích tuyến yên tiết ra chất prolactin, giúp việc tạo sữa nhiều hơn.

Lưu ý: Có rất nhiều loại máy hút sữa. Để tránh việc chọn không kỹ khiến tác dụng kém, hoặc không dùng được, nên tìm hiểu và hỏi cách sử dụng các loại máy hút sữa vài tuần trước khi sinh. Máy hút sữa rất cần thiết cho những mẹ sinh mổ, có thể sử dụng để nhanh có sữa sau sinh.

  • Cách kích sữa bằng máy hút sữa (Theo phương pháp của chuyên gia BETIBUTI):
  • Cách 1. Dùng máy hút sữa đồng thời lúc con đang bú:

Cách này hiệu quả nhất trong 6 tuần đầu, khi sữa mẹ về cả 2 bên lúc được kích thích bởi hormone. Quan niệm sai lầm trong cộng đồng là nếu bơm bên vú kia trong khi bé bú thì sẽ thiếu sữa cho bé bú bên này là không đúng. Tuyến sữa của hai bầu vú không có ống thông nhau. Mà sự thật là cơ thể mẹ sẽ hiểu nhu cầu nuôi sinh đôi, nên sẽ càng tạo sữa dồi dào.

  • Cách 2. Dùng máy hút sữa ngay sau khi bé bú xong 10 phút mỗi bên, đối với khoảng cách các cữ không ổn định hoặc rất gần nhau (dưới 2 giờ):

Cách này giúp làm trống tuyến sữa hoàn toàn giúp việc tạo và tiết sữa cho cữ sau nhanh hơn, dồi dào hơn. Cũng nhờ đó có thêm một lượng sữa dự trữ tích luỹ dần.

  • Cách 3. Dùng máy hút sữa cách cữ bú trước 1 giờ, 20 phút mỗi bên, đối với khoảng cách cữ bú trên 3 giờ và ổn định:

Cách này cũng giúp tăng lượng sữa cho những bé ngủ nhiều, khi lớn dần bé thức nhiều hơn, nhu cầu bú nhiều hơn, mẹ sẽ vẫn đủ sữa cho bé. Quan niệm sai lầm trong cộng đồng, cách cữ càng xa, sữa mẹ càng nhiều. Nhưng sau khi các mẹ cách cữ hơn 4 – 5 giờ, sữa mẹ chẳng thấy được bao nhiêu, các mẹ lại tưởng rằng nếu cách cữ ngắn hơn, sữa sẽ còn ít hơn. Sự thật lại hoàn toàn ngược lại, nếu cách cử khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ 30 phút và được bơm cạn, lượng sữa sẽ rất dồi dào.

Ba cách trên phương pháp Betibuti không khuyến khích áp dụng cho các cữ bú đêm, để mẹ cho bé bú mẹ hoàn toàn và thêm thời gian nghỉ ngơi cho mẹ.

  • Cách 4. Dùng máy hút sữa 20 phút mỗi bên, hút bù một cữ bú bị bỏ qua cho dù ngày hay đêm (ví dụ 3 giờ – 4giờ/lần) để đảm bảo khoảng cách giữa hai lần làm trống tuyến sữa (bú/ hút) không quá 6 giờ.

Quan niệm sai lầm trong cộng đồng, cho bé bú sữa công thức cho dễ ngủ qua đêm. Cảm giác này có thật, không phải vì sữa công thức nhiều chất hơn, bé no hơn, ngủ lâu hơn, mà theo phân tích chất thì sữa bò có chất an thần và gây buồn ngủ mạnh hơn sữa mẹ. Việc mẹ không cho con bú đêm, cách cữ quá 6 tiếng (nếu không bơm bù cữ) thì sữa mẹ sẽ giảm nhanh chóng, và nhiều mẹ ngạc nhiên và bối rối mình vẫn cho con bú mẹ hoàn toàn (trừ mỗi cữ bú đêm) mà sữa vẫn ít không đủ cho con bú, khiến số cữ phải dặm sữa ngoài ngày càng nhiều. Cách 4 này cũng áp dụng cho các mẹ đi làm trở lại nhưng không thể về nhà cho con ti cữ trưa, có thể hút cách cữ 3 giờ – 4 giờ (không quá 6 giờ) tuỳ công việc và điều kiện ở nơi làm việc. Ví dụ: Con bú lúc 7h sáng trước khi mẹ đi làm. Ở nơi làm việc, mẹ sẽ bơm sữa lúc 11h trưa và 3h chiều mỗi lần 20 phút mỗi bên (ít nhất 10 phút mỗi bên, nếu mẹ dùng máy đơn và bị giới hạn thời gian). Khi mẹ về nhà lại cho con ti khoảng 6h chiều. Nếu điều kiện kinh tế cho phép, máy điện đôi sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho mẹ.

  1. Âu yếm con

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa hành vi chăm sóc của bố mẹ với lượng sữa được sản xuất ra. Theo đó, các hành động như vuốt ve, âu yếm trẻ sơ sinh sẽ thúc đẩy nồng độ oxytocin và prolactin tăng cao trong cơ thể mẹ. Cả hai loại hormone này đều cần thiết cho quá trình sản xuất và tiết sữa mẹ. Các bà mẹ cho con bú cũng có nồng độ oxytocin và prolactin cao trong máu, thúc đẩy mối gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé, tạo ra một chu kỳ tích cực hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ.

  1. Luôn ở bên con

Một cách thú vị để tăng cường sự liên kết mẹ – con cũng như tăng sản lượng sữa đó chính là massage cho bé và địu bé trước ngực. Bằng cách này, các bà mẹ trẻ có thể cảm thấy tự tin hơn trong việc giao tiếp cảm xúc với trẻ sơ sinh. Ngoài ra, việc ngủ cùng bé cũng có nhiều tác động tích cực vì như thế sẽ tạo điều kiện để mẹ cho bé bú thường xuyên vào ban đêm.

  1. Luôn tự nhủ là bạn có đủ sữa

Hiện tượng thiếu sữa hoặc sữa về chậm có thể do vài nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn do đẻ mổ hoặc do uống thuốc để co dạ con sau khi sinh. Để kích thích cho ra sữa, bạn vẫn nên bế con áp vào ngực, cho bé bú ngay khi có thể vì chính động tác mút sữa của bé sẽ khiến cho sữa chảy ra. Đôi khi người mẹ vừa sinh xong có sữa, nhưng vài tuần sau tự nhiên mất dần sữa. Đừng vội nản chí hoặc lo lắng, hãy cho con bú đều đặn để “nhắc” cơ thể tiết sữa. Yếu tố tâm lý vô cùng quan trọng, tức là bạn và người thân phải bình tĩnh và tin tưởng rằng sữa sẽ lại đủ, nếu không bạn có thể bị mất sữa thật. Không nên cho con bú sữa bình ngay, kiên nhẫn một chút, bù lại, không gì so sánh được với sữa mẹ.

  1. Chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý

Trạng thái tinh thần tác động rất lớn đến nguồn sữa sau khi sinh cả về số lượng và chất lượng, ít nhất là trong thời kỳ mang thai và cho con bú, các mẹ cần giữ cho mình một trạng thái tinh thần vui vẻ, thoải mái, thư giãn, hạn chế căng thẳng, stress, tránh làm việc quá sức nếu không có thể dẫn đến tình trạng ít sữa, thậm chí mất sữa sau khi sinh nữa đấy.

Trong quá trình chăm sóc bé, các mẹ cần tranh thủ nghỉ ngơi khi bé ngủ nhằm hạn chế tình trạng mệt mỏi do thường xuyên phải thức đêm trông bé gây ảnh hưởng đến nguồn sữa nhé.

  1. Nên uống nhiều nước :

Để lượng sữa dồi dào, bạn nên chú ý uống đủ nước trong ngày (1,5 – 2 lít/ ngày). Khoảng cách đều đặn giữa các lần uống nước tốt nhất là 4 – 5 lần/ ngày (Lần 1, khoảng 2 ly: lúc ngủ dậy trước khi đi vệ sinh; các lần sau từ 1 – 2 ly cách nửa giờ đến 1 giờ trước bữa ăn và trước khi đi ngủ).

  • Các loại thực phẩm, món ăn, bài thuốc lợi sữa cho sản phụ
    1. Thực phẩm lợi sữa
  • Chuối sứ:Đây là loại chuối quả to tròn, da hơi nhám. Thịt chuối nhiều hơn so với các loại chuối khác. Đặc biệt, lớp men của loại quả này tốt, sản phụ nếu ăn chuối sứ thường xuyên có thể giúp tăng lượng sữa. Hoa chuối lá hoặc chuối tiêu thái nhỏ, luộc chín ăn hoặc trộn nộm với lạc, vừng rang, ăn 2- 3 bữa liền cũng giúp thông sữa rất tốt.
  • Rau khoai lang: Luộc hoặc xào lá rau khoai lang ăn hàng ngày vừa giúp nhuận tràng, vừa lợi sữa.
  • Rau mùi:Hạt mùi 12 g, gạo nếp lức 30 g, nấu cháo ăn, hoặc hạt mùi 6 g cho vào ấm cùng 100 ml nước, đun sôi khoảng 15 phút, lấy nước thuốc chia làm 2 phần uống hết trong ngày sẽ giúp lợi sữa.
  • Rau đay:Tuần đầu tiên sau khi sinh, sản phụ có thể ăn hằng ngày 150-200g rau đay vào bữa ăn chính, các tuần sau mỗi tuần ăn hai lần với từ 200-250g thì lượng sữa tăng, trong sữa lượng chất béo cũng tăng lên.
  • Đu đủ xanh:Đu đủ chứa nhiều prtein, chất béo, các loại vitamin A, B, C, D, E… Nấu cháo cùng móng giò và đu đủ xanh là một trong những cách giúp lợi sữa, thông sữa rất hiệu quả cho các bà mẹ đã được lưu truyền và sử dụng rộng rãi. Mặt khác, món ăn này cũng giúp trị chứng ít sữa hoặc sữa quá loãng. Nếu không nấu đu đủ cùng chân giò thì có thể thay thế chân giò bằng cá chép hoặc cá quả cũng có hiệu quả tăng cường sữa.
  • Sung:Trong 100g quả sung có chứa các chất sau: protein 1g, chất béo 0.4g, đường 12.6g, Ca 49mg, P 23mg, Fe 0.4mg, caroten 0.05mg, dẫn xuất không protein 12.3g, khoáng toàn phần 3.1g. Theo Đông y, quả sung có vị ngọt, hơi chát, tính mát, tác dụng thông huyết, lợi tiểu, chỉ thống, tiêu đàm, tiêu thủng, tiêu viêm, sát trùng, bổ huyết. Quả sung và lá non giúp lợi sữa cho sản phụ. Liều dùng 10 – 20g quả và lá sắc uống hàng ngày.
  • Hạt bí:Làm tăng sữa cho sản phụ sau sinh: mỗi lần uống 15 – 20g hạt bí ngô sống, ngày uống 2 lần vào buổi sáng và tối. Cách làm: bỏ vỏ hạt lấy nhân giã nát hòa với nước uống khi đói bụng. Cần uống liền 3 – 5 ngày sẽ hiệu quả.
  • Lạc:Nấu cháo gạo tẻ với lạc nhân; khi cháo chín cho thêm đường phèn vừa ăn. Hoặc các mẹ nấu cháo lạc sữa cũng giúp lợi sữa hiệu quả. Cho 150g gạo vào nồi ninh thật nhừ, khi nhừ cho thêm 50g lạc nhân chín và 250ml sữa tươi ít chất béo vào, trộn thêm đường trắng vào là được. Mỗi ngày chia làm 2 lần vào buổi sáng và trưa hoặc buổi sáng và tối, ăn hết sau mỗi lần.
  • Thì là: Đây là loại thảo dược nổi tiếng với hiệu quả tăng nguồn sữa. Trong thì là có chứa các hợp chất như anethole, dianethole và photoanethole. Theo một báo cáo năm 1980 được công bố trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology, các hợp chất này có thể kích thích sự sản xuất estrogen và prolactin – cần thiết để sản xuất sữa mẹ. Cây thì là có thể ăn sống hoặc nấu chín, ví dụ, hấp, xào trong bơ và sau đó nấu trong một chút nước. Theo khuyến nghị các chuyên gia, rau thì là chỉ được sử dụng cho một vài tuần.
  • Cỏ cà ri: Loại thảo dược tự nhiên này kích thích tuyến sữa trong vú để sản xuất sữa nhiều hơn. Cỏ cà ri thường được sử dụng để tăng nguồn cung cấp sữa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thảo mộc này cũng có thể được sử dụng một cách an toàn trong một thời gian dài. Phụ nữ có thể sử dụng loại thảo dược này cho đến sữa mẹ đầy đủ hơn.
  • Nghệ: Nghệ có tính chất lactogenic và cũng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm.
  • Mơ:Quả mơ chứa nhiều vitamin C và các vitamin khác có lợi cho em bé, đồng thời lại tăng nguồn sữa mẹ nếu mẹ chịu khó ăn quả mơ mỗi ngày.
  • Cà rốt, củ cải:Những loại rau màu đỏ có đầy đủ beta-carotene là rất cần thiết trong thời kỳ cho con bú.
  • Mùi tây:Mùi tây là một loại thảo dược giúp tăng sản xuất sữa mẹ.
  • Gừng:Với những mẹ có nguồn sữa ít thì có thể thử dùng gừng để cải thiện nguồn sữa của mình xem sao.
  • Quả hạch:Quả hạch cung cấp, hỗ trợ nguồn sữa, bao gồm hạnh nhân, hạt điều.
  • Chất béo và dầu:Chất béo khỏe mạnh đóng một vai trò quan trọng trong chuyển hóa tế bào và thần kinh. Các loại chất béo một bà mẹ ăn sẽ ảnh hưởng đến thành phần của chất béo trong sữa của mình. Hãy loại bỏ các chất béo không lành mạnh như dầu thực vật hydro hóa…
  • Yến mạch:Đây là một trong các loại thực phẩm bổ dưỡng có chứa protein, vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng nuôi dưỡng các dây thần kinh, hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất béo và nâng cao tinh thần. Nó là một cách tiềm năng để tăng nguồn sữa mẹ. Theo một số chuyên gia tư vấn cho con bú, yến mạch có thể hỗ trợ cho con bú vì chúng rất giàu chất sắt. Ngoài ra, yến mạch hoạt động như thuốc chống trầm cảm và antispasmodics và làm gia tăng mồ hôi.
  • Tảo spirulina:Đây là một loại tảo xanh không độc hại và có ích trong việc tăng nguồn cung cấp sữa và các chất béo của sữa ở một số bà mẹ cho con bú. Nó có chứa các protein, enzyme, chất khoáng, vitamin, chất diệp lục và các axit béo thiết yếu. Spirulina là chất dinh dưỡng được hấp thu dễ dàng, dễ tiêu hóa.
  • Rau mùng tơi: Phụ nữ sau khi sinh ít sữa, ăn rau mồng tơi sẽ nhiều sữa hơn. Trong rau mồng tơi có các vitamin A3, B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt nên rất tốt cho sản phụ…
  • Cà chua: Trong cà chua có rất nhiều chất xơ, vitamin C, E, K, B1, B6, B2, B3, chất sắt, mangan, kali và rất nhiều chất khác có lợi cho sức khỏe. Vì vậy phụ nữ đang trong thời gian cho con bú được khuyên nên ăn càng nhiều cà chua càng tốt để tăng lượng lycopene trong sữa mẹ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng các sản phẩm làm từ cà chua như nước sốt cà chua sẽ tăng lượng lycopene trong sữa mẹ nhiều hơn ăn cà chua tươi.
  • Ngó sen: Ngó sen là loại thực phẩm có công dụng thanh nhiệt, thanh huyết, nhuận tràng. Ăn nhiều ngó sen có thể giúp sản phụ tiêu ứ máu, chống suy nhược cơ thể, tăng sự thèm ăn, thúc đẩy tiêu hóa , tăng tiết sữa.
  • Quả mướp: Quả mướp có tác dụng lợi sữa cho sản phụ mới sinh, giúp huyết lưu thông tốt, làm dịu các cơn đau do co thắt tử cung
  • Rong biển: Rong biển rất giàu chất dinh dưỡng. Ngoài thành phần đạm rất cao rong biển còn chứa rất nhiều khoáng chất, các yếu tố vi lượng và vitamin, trong đó nổi bật là iốt ( yếu tố vi lượng tối cần thiết cho tuyến giáp), canxi với hàm lượng cao hơn trong sữa, vitamin A cao gấp 10 lần trong bơ, vitamin B2 gấp 7 lần trong trứng, vitamin C, E cao gấp nhiều lần trong rau quả. Sản phụ ăn nhiều rong biển có thể chống mệt mỏi, làm tăng tiết sữa, có lợi cho sự phát triển cơ thể trẻ sơ sinh.
  • Búp dứa non: Nếu sinh con gái, rút chín búp dứa, sinh con trai, rút bảy búp, rửa sạch, cắt bỏ phần lá xanh, chỉ lấy phần búp trắng bên dưới. Chỗ búp trắng này thái nhỏ (theo kiểu hạt lựu cũng được), đem nấu với thịt nạc, hoặc canh xương. Chỗ búp dứa nấu vừa một bát nhỏ, cho sản phụ ăn hết cả nước và cái sẽ có tác dụng gọi sữa nhanh về.
  • Đậu Hà Lan: Hay còn gọi là đậu nhỏ xanh, vị tính ngọt đắng, chứa hàm lượng photpho dồi dào, có công hiệu lợi tiểu, tiết nước bọt, giải độc, chống ỉa chảy, thông sữa. Đậu Hà Lan nấu chín hoặc mầm đậu Hà Lan giã nát vắt lấy nước sử dụng, tất cả đều có thể giúp tăng sữa.
  • Rau kim châm: Trong rau kim châm có chứa nhiều protein và một lượng lớn vitamin B1, B2… có công hiệu thanh nhiệt, lợi tiểu, chống chảy máu, xuống sữa. Có thể sử dụng để chữa trị sữa không xuống sau khi sinh nở. Hầm thịt lợn nạc với rau kim châm sử dụng, rất có công hiệu.
  • Gạo lức: Giảm cân quá nhanh dẫn đến cơ thể của bạn sản xuất không đủ sữa cho con của bạn và làm cho bạn cảm giác mệt mỏi và chậm chạp. Tốt nhất là nên kết hợp việc ăn kiêng của bạn một cách lành mạnh như sử dụng gạo lức trong thực đơn ăn kiêng để giữ năng lượng của bạn ở mức cao. Và thực phẩm như gạo lức cung cấp cho cơ thể bạn đủ lượng calories cần thiết để sản suất sữa tốt nhất cho em bé.
  • Thịt bò nạc: Bạn đang tìm kiếm những loại thực phẩm tăng cường năng lượng, hãy chọn những thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò. Một khi chất sắt trong cơ thể không được cung cấp đầy đủ có thể làm cho bạn cảm giác mệt mỏi và kiệt quệ, vì thế rất khó cho bạn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, khi bạn nuôi con bằng sữa mẹ, bạn cần ăn thực phẩm giàu chất đạm và vitamin B12. Thịt bò là nguồn cung cấp hai chất dinh dưỡng này tuyệt vời nhất.
  • Cao chè vằng: Loại thuốc lợi sữa mọc ở dãy núi Hồng Lĩnh, nhiều nhất là núi Mồng Gà, nó bám quanh những bụi gai rậm rạp trên một độ cao nhất định, uống sương và dưỡng khí trong lành, quanh năm lá xanh, và không chịu tác động của con người như bón phân, phun thuốc. Cao chè vằng có tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon, ngủ tốt. Đặc biệt tốt với đối tượng là phụ nữ sau sinh, chống viêm, lợi sữa.
    1. Những món ăn bài thuốc giúp lợi sữa

Phụ nữ sau sinh thông thường là lượng sữa tiết ra đủ để nuôi trẻ. Nhưng cũng có người mẹ sau sinh vì nguyên nhân nào đó làm cho lượng sữa tiết ra không đủ cho trẻ bú hàng ngày. Để giúp khắc phục tình trạng này có thể dùng những món ăn thuốc sau tác dụng thúc đẩy tăng tiết sữa ở người mẹ, đó là cách bồi bổ hợp lý những dinh dưỡng cần thiết, lại còn kích thích sinh nhiều sữa đảm bảo dược chất và lượng đáp ứng nhu cầu cần nuôi trẻ.

  • Món canh móng giò, hoàng kỳ

Nguyên liệu: Móng giò 500g, hoàng kỳ 30g, đương quy 15g, thông thảo 4g. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, cho thêm ít rượu và mấy lát gừng nấu thêm chút nữa là ăn được, ăn hết cả nước lẫn cái. Ăn trong 5-7 ngày.

  • Món sườn lợn hầm sơn giáp

Nguyên liệu: Sườn lợn 500g, xuyên sơn giáp 10g, hoàng kỳ 30g. Tất cả nấu cùng đến nhừ, thêm chút rượu vào, ăn thịt uống canh. Cần ăn 4-5 ngày.

  • Món thịt cừu hầm đương quy

Nguyên liệu: Thịt cừu 500g, đương quy 20g, cho cả vào hầm nhừ, sau thêm chút rượu và mấy lát gừng tươi, ăn thịt uống canh. Ăn trong 4-5 ngày.

  • Món canh móng giò

Nguyên liệu: Móng giò 1 cặp, gia vị vừa đủ, luộc chín vớt ra, giữ nước cho mì vào, ăn mì nước với móng giò. Cần ăn trong 7-10 ngày.

  • Món canh móng giò, thông thảo

Nguyên liệu: Móng giò 1 chiếc, thông thảo 2g, cho vào cùng luộc nhừ, nêm gia vị vừa miệng, ăn thịt, uống nước canh. Mỗi ngày ăn 1 lần, cần ăn 4-6 ngày.

  • Món canh móng giò, quất diệp, thanh bì

Nguyên liệu: Móng giò 500g, quất diệp 10g, thanh bì 10g, nấu chín nhừ ăn thịt uống nước canh. Ăn trong 5-7 ngày.

  • Món canh mạch nha, cá diếc

Nguyên liệu: Cá diếc sống 1 con, mạch nha 20g, nấu chín, nêm đủ gia vị, ăn cá uống nước canh. Cần ăn 5-7 ngày.

  • Món canh cá diếc, thông thảo

Cá diếc còn có tên khác là Tức ngư, phụ ngư. Là loại cá trắng nước ngọt, thân dẹt hai bên, dài khoảng 15 – 30cm. Trong thịt cá chứa 17,7% protid; 1,8% lipid; 70 mg% calci; 152 mg% phospho; 0,8mg% sắt; vitamin B1, B6¬.

Sản phụ uống canh cá diếc sẽ có tác dụng lợi sữa, giúp các mẹ có dòng sữa dạt dào cho bé yêu “măm măm”.

Trước tiên, lấy một con cá diếc tươi 500g, đánh sạch vảy, bỏ đi nội tạng. Cho cá vào nồi và bỏ thêm 6g thông thảo để nấu thành canh. Mỗi ngày ăn cá và uống canh 2 lần, liên tục uống trong 3 – 5 ngày.

  • Món gà mái hầm hoàng kỳ

Nguyên liệu: Gà mái 1 con, hoàng kỳ 50g, cho hầm nhừ pha chút rượu và mấy lát gừng, ăn cái uống nước canh. Cần ăn 4-5 lần, ngày 1 lần có thể ăn cách nhật.

  • Món tôm nõn nấu cùng rượu

Nguyên liệu: Tôm nõn 100g, rượu gạo 250g, nấu đến khi tôm nõn chín nhừ, ăn nóng cả nước lẫn cái. Cần ăn trong 5-6 ngày.

  • Mít non nấu canh

Quả mít non 200 – 400g bỏ vỏ thái nhỏ, thịt lợn nạc xay 100g (hoặc 100 gram tôm tươi bóc vỏ), gia vị vừa đủ. Cho hành tỏi băm vào xào sơ thịt xay hoặc với tôm chừng 3 phút, sau đó cho mít non bỏ vỏ xắt miếng nhỏ vào xào thêm 3 phút, cho nước lạnh vào đủ ăn nguyên ngày. Nấu đến khi miếng mít chín mềm, cho hạt nêm và hành lá xắt nhuyễn vào cho thơm. Khi ăn nhớ ăn cả miết lẫn uống hết nước.

  • Mít non xào thịt:

Quả mít non 200 – 400g bỏ vỏ thái nhỏ, thịt lợn nạc 100g cho thịt vào nồi xào chín tới thì cho mít đã thái nhỏ vào. Ăn nóng với cơm trong vài ngày.

  • Xôi nếp và sữa tươi:

Ăn cơm nếp (xôi nếp) và uống sữa tươi đun nóng: Mỗi ngày ăn 1 cữ cơm nếp với ruốc (chà bông) hoặc với muối đậu, muối vừng, và uống từ 2 – 3 ly sữa tươi nóng (cho sữa vào lo vi sóng quay 2 phút, hoặc đổ sữa vào bát to và cho vào nầu cơm lúc cơm đã gần chín để hâm nóng sữa).

  • Vừng đen:

Sau đây là 2 bài thuốc từ vừng đen, vừa đơn giản, dễ làm lại hiệu quả.

Bài 1: Lấy 30g vừng đen giã nhỏ; cùng với gạo tẻ (chừng 50-60g) cho vào nước nấu nhừ thành cháo mà ăn. Món cháo này vừa có tác dụng lợi sữa, vừa nhuận tràng, thích hợp với phụ nữ sau khi sinh bị táo bón, và không đủ sữa cho con bú.

Bài 2: Vừng 30g giã nhỏ, tằm rang khô 10g nghiền vụn (có thể theo tỷ lệ này làm nhiều, bảo quản tốt để dùng dần). Cả 2 thứ đem trộn với đường đỏ (vị vừa ăn), đổ nước sôi vào, đậy nắp kín, sau 10 phút thì uống. Mỗi ngày uống 1 lần lúc đói. Chỉ uống 2 ngày là sữa bắt đầu ra, uống sau 4 ngày thì sữa ra đều và đủ cho con bú.

  1. Thức uống giúp mẹ cưc nhiều sữa

Để có nhiều sữa mẹ cho con bú, các mẹ nên thường xuyên bổ sung các loại nước uống lành tính và có nguồn gốc thiên nhiên dưới đây.

  • Sữa nóng: Uống sữa nóng sau sinh không chỉ lợi sữa mà còn giúp cung cấp nguồn dinh dưỡng giúp cơ thể mẹ hồi phục nhanh hơn. Mẹ có thể sử dụng sữa bột, sữa tươi hoặc sữa đặc nóng trước khicho con bú khoảng 15-20 phút, lượng sữa sẽ tiết ra nhiều hơn, đặc hơn và thơm ngon hơn.
  • Sữa và bia: Các mẹ có thể áp dụng cách pha sữa đặc có đường với 1/2 lon bia hoặc pha nửalon bia với khoảng từ 3 – 4 thìa café sữa đặc để uống nhằm kích thích tuyến sữa. Uống trước cữ bé bú ít nhất là 1 tiếng hay sau cữ bú của con, mẹ sẽ không lo mùi bia lẫn trong mùi sữa mẹ.
  • Nước 5 loại đậu pha: Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều các loại hỗn hợp 5 loại bột đậu (đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng) để pha nước uống. Nếu muốn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm các mẹ có thể tự rang sơ và xay nhỏ các loại đậu rồi cho vào lọ kín để sử dụng dần. Mỗi tối lấy 1 -2 nắm tay đậu đã rang cho vào bình giữ nhiệt (bình thủy), cho khoảng 1,5 lít nước sôi vào. Sáng hôm sau là có thể uống, dùng hết bình cho cả ngày, tối lại ủ bình khác. Nước của 5 loại đậu rang có mùi rất thơm, rất dễ uống và đặc biệt kích thích tuyến sữa làm việc.
  • Nước lá rau ngót: Chị em nên rửa sạch lá rau ngót, cho vào xay lấy nước uống hoặc ăn canh rau ngót hàng ngày. Nước rau ngót vừa mát vừa giúp lượng sữa mẹ tăng lên đáng kể.
  • Nước lá đinh lăng: Lá đinh lăng cũng là loại nước giúp lợi sữa. Hàng ngày mua lá đinh lăng, rửa sạch rồi cho vào nước (đổ nước ngập lá) đun sôi sau đó chắt lấy nước và uống khi nước còn ấm. Nếu chưa uống ngay mà nước bị nguội thì khi uống phải hâm nóng, không nên uống lạnh.
  • Nước chè vằng: Những thức uống giúp mẹ nhiều sữa.Chè vằng thái nhỏ và phơi khô cả thân lẫn lá, dùng nấu nước để uống thì rất lợi sữa cho mẹ sau sinh. Có hai loại chè vằng: loại lá to và loại lá nhỏ. Loại chè vằng lá nhỏ được đánh giá là cho nước thơm và ngon hơn. Chè vằng thường mọc ở trong rừng sâu nhưng hiện nay chè vằng khô được bán khá phổ biến trên thị trường.
  • Nước gạo lứt rang: Gạo lứt không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp thanh lọc, giải độc cơ thể. Nước gạo lứt rang giúp các mẹ sau sinh thơm sữa, và sữa về nhiều hơn. Trong gạo lứt còn nguyên vỏ có chứa nhiều các Vitamin B1, B2, B3, B5, B6 và các khoáng chất như canxi, sắt các nguyên tố vi lượng như Canxi, Sắt, Magiê, Selen, Glutathion (GSH), Kali và Natri tốt cho sự phát triển của bé.
  • Nước rau má: Rau má cũng có tác dụng lợi sữa, kháng khuẩn, lưu thông khí huyết, giúp da dẻ hồng hảo, trẻ lâu. Các mẹ có thể hãm rau má khô để uống thay nước hàng ngày hay dùng rau má tươi để nấu canh với thịt bò, thịt gà, thịt nạc thăn…
  • Nước nụ hoặc lá vối: Đây là thức uống khá phổ biến ở các vùng miền Bắc. Loại nước này giúp cơ thể giải nhiệt, thanh lọc gan, hơn nữa lại có tác dụng kích thích sữa ở mẹ sau sinh. Có thể uống nước nụ hoặc lá vối khi đã phơi khô hoặc còn tươi.
  • Nước lá thìa là (thì là): Thìa là thường chỉ dùng để làm gia vị trong nhiều món ăn. Thế nhưng với phụ nữ đang cho con bú thì lá thìa là còn có tác dụng giúp cho nguồn sữa trở nên dồi dào. Mẹ có thể nấu canh thìa là với thịt nạt, cà chua hoặc đun nấu nước hạt thìa là để uống.
  • Nước lá mít: Theo kinh nghiệm dân gian, dùng lá mít non tươi mỗi ngày nấu nước uống; dùng cụm hoa đực (dân gian thường gọi là dái mít) sắc uống sẽ giúp nguồn sữa về dồi dào. Cách làm: Lấy 2 nắm tay lá mít non tươi, vò nát cho vào nồi, thêm vào từ 1,5 – 2 lít nước nấu cho sắc xuống (còn 1-1,5 lít) uống hết trong ngày. Nên uống liên tục 1 tháng cho sữa về thật nhiều và lâu dài. Thông thường các mẹ mới sanh trong 3 tháng đầu chỉ cần uống 3- 5 ngày là đã thấy sữa về nhiều.
  • Nước gạo tẻ + gạo nếp + hạt sen: Hỗn hợp gạo tẻ, gạo nếp, hạt sen và một ít đậu ( đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ…) được nấu nhừ với nhau để lấy nước uống thì rất tốt cho sữa mẹ. Lưu ý để nấu được nước uống thì thành phần gạo trong hỗn hợp chỉ chiếm một lượng rất nhỏ thôi.
  • Nước đậu đỏ: Nếu mẹ uống nước đậu đỏ liên tục trong ba ngày, các tuyến sữa sẽ hoạt động tốt và cung cấp nguồn sữa phong phú cho bé.
  • Nước mè đen: Những thức uống giúp mẹ nhiều sữa.Mè đen và lá tằm khô xay nhuyễn trộn thêm một ít đường hòa tan với nước sôi sau 10 phút thì mẹ có thể dùng được. Với những mẹ bầu thiếu sữa chỉ cần dùng 4 ngày là lượng sữa sẽ nhiều lên đáng kể. Ngoài ra với mè đen mẹ cũng có thể làm muối mè để ăn cũng có lợi ích giống như vậy.
  • Hạt rau mùi: Hạt mùi 20g. Sắc đặc, uống mỗi lần 1 chén, ngày 2 lần. Muốn uống vị nhạt hơn thì lấy Hạt mùi 10g cho vào ấm cùng 200ml nước, đun sôi khoảng 15 phút, chắt lấy nước uống. Uống mỗi ngày trong 2 tuần. Hạt mùi 15g với 30 gram gạo nếp, nấu nhừ thành cháo đặc để ăn. Ăn cách ngày, trong 2 tuần.

 

Bình luận về bài viết này

Filed under Uncategorized

Bắt đầu môn học mới!

Tuần vừa rồi đã bắt đầu 1 môn học mới, một môn học theo tôi được biết thì nó khá thú vị. Nó liên quan tới những công việc ngồi hàng giờ trên mạng thế này.

Mà hình như trong học kì này, tôi không thể sống nếu thiếu cái lap thân iu. Việc gì cũng cần internet, cũng cần laptop của tôi. Nhiều khi đã quen với nó rồi thì khó mà sử dụng chiếc máy tính khác.

Quay lại môn học mới bắt đầu, mới bắt đầu thôi mà có nhiều thứ thật thú vị, đặc biệt thích nhất cái lúc chọn dự án, lúc cả đám tranh nhau, thi nhau, canh-chờ-chực để đăng kí. Cuối cùng thì tôi cũng có cái nhóm của mình. Không biết thời gian đầu tư cho dự án này như thế nào, là bao nhiêu, nhưng trước mắt dốc hết sức cho nó khi có thể.

Bắt đầu một môn học mới

Bắt đầu một môn học mới

Bình luận về bài viết này

Filed under Tâm sự

Hoa tím

Hoa tím

Hoa tím

Bình luận về bài viết này

27/09/2013 · 6:26 chiều